Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

Thành Tây Đô hay còn gọi là Thành Nhà Hồ là một ngôi thành đá độc nhất vô nhị ở Việt Nam, thuộc khu du lịch Sầm Sơn Cửa Lò, nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Và cách thành phố Hà Nội khoảng 145 km về phía Bắc, Hồ Quý Ly đã cho xây dựng thành và dựng nên một triều đại phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XV.

Những năm cuối thế kỷ XIV, triều đại nhà Trần bị suy yếu, phía nam nước ta thì bị quân Champa đã nhiều lần kéo ra cướp phá. Hoàng thành Thăng Long bị hai lần tiến đánh khiến cho vua quan nhà Trần phải rời bỏ kinh thành, còn phía bắc thì bị giặc Minh cũng lăm le giòm ngó tìm mọi cách để âm mưu thôn tính nước ta.

Thành Nhà Hồ
Trước tình thế đó, Hồ Quý Ly là Một viên quan đầu triều và nắm giữ quyền lực trong tay đã chuẩn bị một kế hoạch đối phó mới với tình hình của đất nước. Vì vậy đến năm 1397 Hồ Quý Ly đã sai Viên Thượng Thư Bộ Lại và Thái sử Lệnh là Đỗ Tĩnh vào nghiên cứu vùng đất Thanh Hoá vì đó là một căn cứ địa vững chắc đồng thời là quê hương của họ Hồ, để xây dựng thành trì chuẩn bị cho việc rời đô từ Thăng Long vào Thanh Hoá. Các làng Xuân Giai,Tây Giai và Đông Môn thuộc xã Vĩnh Tiến và An Tôn xã Vĩnh Yên được chọn làm nơi xây dựng thành. Khi thái tử An là cháu ngoại của Hồ Quý Ly lên ngôi lấy niên hiệu là Thiếu Đế và Thành Tây Đô trở thành kinh đô của nước ta từ đó. Cho đến năm 1400 thì vua Thiếu Đế qua đời và Hồ Quý Ly chính thức lên ngôi vua lập nên triều Hồ.

Đến bây giờ, chúng ta vẫn không khỏi khâm phục trước tài nghệ xây dựng vật liệu bằng đá khối như đối với thành đá Tây Đô. Đặc biệt với thời gian chỉ trong vòng 3 tháng (từ mùa xuân năm 1397) toàn bộ bức thành đồ sộ đã được xây dựng bằng đá khối, trong đó có những khối đá nặng lên tới trên 2 tấn trong khi không có một thiết bị hiện đại vận chuyển lên cao nào ngoaì sức người, cũng chỉ trong vòng 3 năm (đến năm 1400) thì toàn bộ kinh thành đã được xây dựng hoàn tất với các điện, đài nguy nga và tráng lệ. Cho đến ngày nay thì kỹ thuật xây dựng thành vẫn còn là một điều bí ẩn đối với khoa học xây dựng thế kỷ XX. Nhìn những phiến đá lớn được mài nhẵn và chồng khít lên nhau, tạo nên bức tường thành đồ sộ, nên ai cũng tự đặt câu hỏi là không biết người xưa đã sử dụng phương tiện gì để vận chuyển và nâng lên cao những khối đá lớn như vậy?
Cổng Thành Nhà Hồ
Về mặt kiến trúc thì thành có hình chữ nhật mở ra bốn cổng là cổng Đông, Tây, Nam, Bắc được gọi là cổng Tiền, cổng Hậu,cổng Tả và cổng Hữu. Chỉ có cổng Tiền là còn nguyên vẹn hơn cả. Cổng mở ra ba cửa gồm cửa giữa rộng 5,8m cao 8m và hai cửa hai bên rộng 5 m cao 7,8 m. Các cổng đều được xây cuốn vòm theo kiến trúc chữ U bằng đá xanh đen mài hình muối bưởi và nhờ trọng lượng nên chúng tự nêm chặt vào nhau cực kỳ vững chắc. Những cánh cổng đều được làm bằng gỗ lim phiến rất dầy và dưới chân có lắp hai bánh xe lăn bằng đá. Tất cả các bức tường Thành đều được làm cao trên 6m và trên mặt có đường đi rộng tới 4 m. Mặt trong thành được lèn đất dày như đắp đê, từ cửa Nam có một con đường lát đá hoa chạy dọc xuyên suốt trục bắc nam của thành vươn đến tận chân núi Đốn Sơn (Núi Đún), là nơi dựng đàn tế Nam Giao của triều Hồ.

Ông chủ trương chia Thành Tây Đô làm hai khu thành nội và khu thành ngoại. Khu thành ngoại là toàn bộ khu dân cư gồm các làng xã, phố phường,là nơi mọc lên cả các dinh thự của các quan lại. Hồ Quý Ly còn cho trồng tre, đào hào thành sông để nối liền với sông Mã và Sông Bái để tiện việc chuyên trở, sử còn ghi “sai Trần Ninh đốc thúc người phủ Thanh Hoa trồng tre phía nam từ Đốn Sơn, phía bắc từ An Tôn còn phía tây từ Vực Sơn vây bọc làm La Thành” đến nay các vết tích đó còn lại không nhiều và chỉ còn lại dấu tích của những hào sâu bao bọc quanh thành mà thôi.

Đương thời Hồ Quý Ly đã cho kiến thiết trong nội thành các cung điện, nhà cửa, phố xá, sân hồ… chẳng khác gì kinh thành Thăng Long, chỉ khác là các cung điện của Thành Thăng Long được xây dựng bằng gỗ còn các cung điện của Thành Tây Đô được xây dựng và trạm trổ hoàn toàn bằng đá khối lớn. Theo như các thư tịch cũ cho biết thì trong thành thời đó có điện Hoàng Nguyên và các cung Diên Thọ, Đông Cung, Phù Cực, núi Thọ Kỳ và hồ Dục Tượng… rất nguy nga tráng lệ. Vào năm 1403 lại còn xây dựng thêm hai công trình kiến trúc nữa là Đông Thái Miếu và Tây Thái Miếu. Cũng tại nội thành này là địa điểm để tổ chức các kỳ thi Thái học sinh (tiến sĩ) đó là vào năm 1400 dưới triều Hồ Quý Ly và năm 1405 dưới triều Hồ Hán Thương.
Rồng Đá
Hiện nay trong thành di vật còn sót lại có giá trị nhất là cặp rồng bằng đá,nhưng cũng thật đáng tiếc vì trải qua thời gian do không được bảo vệ và ý thức của người dân chưa cao nên cặp rồng đá đã bị mất đầu. Dù sao đây vẫn là hiện vật có giá trị nhất. Đôi rồng đá mỗi con dài mươi thước uốn khúc uyển chuyển và hùng dũng như đang bay lượn. Cái tráng khí hào hùng ấy là do đôi bàn tay tài hoa của người thợ đá làng Nhồi tạc nên.

Trên 6 thế kỷ đã trôi qua, Thành Nhà Hồ - một kinh thành đồ sộ với các điện đài nguy nga tráng lệ. Song tất cả chỉ còn là đống đổ nát và không một vết tích đền đài nào còn sót lại, chỉ còn lại bức tường thành là có thể minh chứng cho một triều đại đã tồn tại và cũng như mãi mãi khẳng định một loại hình kiến trúc độc đáo và tiến bộ bậc nhất của Việt Nam đó là kiến trúc thành luỹ bằng đá.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét